Sau nội chiến Lý_Di

Lực lượng tại Miến Điện được Hoa Kỳ hỗ trợ và cử cố vấn quân sự, nhưng chủ yếu là tự cung tự cấp nhờ kinh doanh thuốc phiện. Ban đầu, các chiến lược gia Hoa Kỳ cho rằng Lý có tác dụng trong việc ngăn ngừa chủ nghĩa cộng sản trong khu vực; nhưng, chỉ trong vài năm, Washington bắt đầu thay đổi quan điểm, và làm áp lực với Tưởng Giới Thạch để loại bỏ lực lượng này. Năm 1953, 7,000 quân, gồm cả Lý Di, được không vận về Đài Loan, nhưng số còn lại quyết định ở lại. 7,000 quân đóng rải rác quanh biên giới Miến-Lào, và vài ngàn quân đóng tại Thái Lan. Tính đến khi kế hoạch rút quân đợt 2 được công bố, năm 1961, uy tín của Mỹ, quan hệ Mỹ-Miến Điện, và nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trong khu vực đã bị phá hoại nghiêm trọng.[1][2]

Sau khi giành độc lập, Thủ tướng Miến Điện, U Nu, cố gắng trấn áp các hoạt động của Lý và ra lệnh cho lực lượng của ông đầu hàng, nhưng Lý từ chối. Sau khi quân đội Miến Điện tấn công Lý, ông dời về đóng tại Mong Hsat. Lúc này, Miến Điện đang bận đối phó với 4 cuộc nổi dậy, bao gồm 2 phong trào du kích cộng sản, và không đủ lực lượng để truy đuổi quân của Lý nghiêm túc.[3]

Chương trình hỗ trợ lực lượng tại Miến Điện của CIA có mật danh "Chiến dịch Paper". Sử dụng Thái Lan làm trạm trung chuyển, vận chuyển vũ khí và quân nhu giữa Đài Loan và Miến Điện. Khi đến Thái Lan, những chuyến hàng này được không vận cho Lý do một đại đội không quân dưới quyền Tướng Chennault phụ trách, lấy bình phong là 2 tập đoàn giả. Thủ tướng Thái lúc đó, Plaek Phibunsongkhram ("Phibun"), đồng ý hỗ trợ Chiến dịch Paper, do quan hệ căng thẳng giữa Thái-Miến và lời hứa viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ.[4]

Từ năm 1949 – 1953, Lý tuyển mộ được hàng ngàn quân từ các bộ tộc xung quanh, cũng được tăng cường với vài trăm quân chính quy Quốc dân đảng từ Đài Loan. Những người tị nạn đến từ Vân Nam thuộc cộng sản cũng gia nhập đội quân này. Nhiều người kết hôn với phụ nữ địa phương, và họ dần kiểm soát việc buôn bán thuốc phiện trong vùng. Được quân đội Thái Lan hỗ trợ, quân của Lý buôn bán thuốc phiện qua Thái Lan để đổi lấy vũ khí và quân nhu từ Đài Loan. Họ nhiều lần tấn công định tái chiếm Vân Nam trong giai đoạn này, nhưng không giành được thắng lợi chiến lược nào.[4]

Có một vài lý do khiến người Mỹ quyết định làm áp lực với Tưởng để rút quân khỏi Miến Điện. Một tài liệu mật về tính hữu dụng của đội quân Quốc dân đảng tại Miến Điện với lợi ích của Hoa Kỳ kết luận rằng họ "không đem lại lợi ích với thế giới tự do với tư cách một lực lượng phòng thủ khu vực bằng quân đội thường trực Miến Điện được tổ chức tốt". Các cuộc nổi dậy cộng sản tại Miến Điến cũng từng viện dẫn sự có mặt của đội quân này làm nguyên nhân. Thêm vào đó, nếu Rangoon phải căng sức ra để đánh bại lực lượng của Lý, sẽ khiến họ không đủ mạnh để trấn áp các lực lượng du kích cộng sản. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, John Foster Dulles, quan ngại rằng chính phủ Miến Điện có thể liên minh với các lực lượng cộng sản để loại trừ Lý và quân đội. Cuối cùng, người Mỹ cũng lo ngại rằng Miến Điện sẽ đưa vấn đề này lên Liên Hiệp Quốc, làm bẽ mặt Mỹ và gây thanh thế cho khối cộng sản. Cũng có quan ngại rằng Trung Quốc sẽ tấn công Miến Điện để trấn áp lực lượng này.[4]

Sau khi trở về Đài Loan năm 1953, Lý Di rút khỏi hoạt động quân sự, trở thành ủy viên Lập pháp viện và Ủy ban Trung ương Quốc dân đảng. Ông mất tại Đài Bắc ngày 10 tháng 3 năm 1973.